[SoL]Nước chảy đá mòn…

Tôi đã có dự định viết những câu chuyện ngắn về ngôn ngữ như thế này khá lâu nhưng đến giờ mới thực hiện được. Tình hình dịch bệnh (Covid-19) đầu năm nay có nhiều biến động khiến cho công việc giảng dạy ở trường bị hoãn, cho nên các hoạt động khác được tăng cường để đảm bảo kết hoạch của năm.

Ban đầu thì tôi chỉ định viết một bài kiểu như nhật kí hàng ngày thôi. Thế nhưng sau một hồi suy đi nghĩ lại thì tôi quyết định gom tất cả lại vào một chủ đề riêng cho tiện theo dõi sau này! Những bài viết này cũng chỉ là chia sẻ ý kiến cá nhân, và tôi cũng không hề có ý định “dạy” ai cả :). Bởi vậy, nếu bạn vô tình đọc những bài viết này thì hãy cứ xem như một mẩu độc thoại vậy. Và nếu cảm thấy hứng thú thì xin để lại vài dòng chia sẻ.

Hai mẩu chuyện sau đây xuất phát từ một bữa nhậu với các đồng nghiệp. Khi hơi men đã hơi ngấm thì chúng ta có xu hướng chia sẻ nhiều chuyện hơn, đôi khi cả những chuyện chẳng liên quan gì với nhau cả. Và dưới đây là hai câu chuyện bên lề như thế:

Chuyện thứ nhất: Về câu tục ngữ “Nước chảy đá mòn”. Ở đây tôi xin nói về loại từ của từ “mòn” . Theo ý kiến cá nhân thì nó phải là động từ cho phù hợp với bối cảnh của câu tục ngữ. “Nước chảy đá mòn” mô tả một hiện tượng, đó là nước chảy làm mòn đá hay nước chảy làm đá bị mòn. Bên cạnh đó, ca dao tục ngữ Việt Nam thường sử dụng các cặp hình ảnh liên tưởng đối xứng với nhau. Do đó ở câu trên thì “nước chảy” sẽ đối với “đá mòn”: nước ứng với đá, đều là danh từ; “chảy” ứng với “mòn”, thì nó nên là động từ (thể bị động hay chủ động cũng được). Nếu “mòn” ở đây là tính từ thì nó sẽ khiến câu tục ngữ có phần tối nghĩa và mất tính cân xứng, điều mà tôi không nghĩ là sau hàng ngàn năm chắt lọc mà ông cha ta đã để lại như thế.

Chuyện thứ hai: Về câu “Tôi xin lỗi” trong tiếng Việt và câu “I am sorry” trong tiếng Anh. Theo tôi thì nghĩa của hai câu này chưa thực sự tương đương với nhau. Nói thế là do loại từ của hai câu này không hoàn toàn giống nhau. Câu “I am sorry” nên được dịch thành “Tôi rất tiếc [về điều gì đó]”. Nó thể hiện sự thông cảm hay có phần nhún nhường của một người khi nghe một tin không hay hoặc về một sự việc đáng tiếc nào đó. Chắc không ít lần các bạn coi phim Mỹ hay Anh và gặp tình huống là một nhân vật thông báo cho một nhân vật khác về chuyện buồn của mình, người nhận thông báo đó thường tỏ vẻ buồn kèm theo câu “I am sorry [about that]” chẳng hạn. Hoặc chẳng hạn bạn rơi vào một hoàn cảnh mà một hành động của bạn gián tiếp gây hại (hoặc thậm chí bạn chỉ ở ngay lúc đó và chứng kiến) thì bạn cũng có thể sử dụng câu “I am sorry about that” với nghĩa tương đương trong tiếng Việt là “Tôi lấy làm tiếc về việc đó”. Trong những tình huống ở trên đây thì từ “sorry” sẽ đóng vai trò là tính từ. Trong khi đó, câu “Tôi xin lỗi” trong tiếng Việt nên được dịch sang tiếng Anh là “I apologize”. Vì người Việt nói xin lỗi là thể hiện hành động hối lỗi về hành động mà bản thân gây ra cho người khác, do đó nó thực sự là câu đã rút gọn phần vị ngữ. Ví dụ, khi bạn vô tình làm đổ nước vào người khác thì bạn sẽ nói một cách đầy đủ là “Tôi xin lỗi bạn”. Do thói quen nên chúng ta đã lược bỏ phần vị ngữ phía sau nên chỉ còn là “Tôi xin lỗi”. Như vậy, chữ “xin lỗi” ở đây thực chất là động từ. Tóm lại, từ “sorry” và từ “xin lỗi” không cùng loại từ cho nên câu “Tôi xin lỗi” và câu “I am sorry” không hoàn toàn tương đương.

P/S: khi giải thích về động từ xin lỗi trong tiếng Việt tôi đã hiểu một phần lí do vì sao người Việt không có thói quen nói xin lỗi như những người phương Tây. Đó là bởi vì khi nói xin lỗi nghĩa là ta sẽ phải nhận đó là lỗi của mình, là chính mình gây ra việc đó.

Leave a comment