[12/04/2017]Quốc ngữ của chúng ta.

Mấy hôm nay ta đọc báo thấy mọi người bàn tán khá là rầm rộ chuyện cải cách chữ viết Tiếng Việt. Mặc dù ngôn ngữ không thuộc chuyên môn và cũng không phải là thế mạnh mình, song thiết nghĩ vấn đề chữ viết ảnh hưởng tới toàn thể người dân thì ta với tư cách là một công dân Việt Nam cũng không thể nằm ngoài ảnh hưởng này. Do vậy, ta mới viết vài dòng thể hiện ý kiến cá nhân như sau.

Thứ nhất, về việc cải cách chữ viết, theo ta nghĩ chuyện đó nên làm và cần thiết. Lý do thì như nhiều người đã thấy, chữ viết của chúng ta hiện có nhiều bất cập và không hợp lý. Mặc dù ta sử dụng các ký tự La-tinh để ký hiệu cho ngôn ngữ của chúng ta song có nhiều chữ ghép (ý ta là các phụ âm ghép) thể hiện cùng một âm. Ví dụ: ‘gh’ và ‘g’, ‘ng’ và ‘ngh’…Riêng phụ âm /k/ được ghi bằng các chữ ‘k’, ‘c’ và ‘q’ thì thật sự ta vẫn chưa hiểu rõ lắm (có thể là các nhà ngôn ngữ căn cứ vào độ rộng của miệng, vị trí của lưỡi và độ dài của âm để xác định chúng là phụ âm /k/). Như vậy, một âm mà sử dụng nhiều ký hiệu để diễn tả thì rối và cần phải tinh chỉnh. Điều đó quả thực là cần thiết, không phải bàn cãi làm gì.

Thứ hai, cải cách như thế nào mới là hợp lý thì đó lại là một chuyện khác. Ta đồng tình với ý kiến là nên sử dụng mỗi chữ để ký hiệu cho một âm và là duy nhất. Như vậy, trước hết về mặt chữ viết thì ta có thể nghe một người Việt nói, tìm các chữ tương ứng với các âm phát ra và ghép lại là thành câu nói của người đó. Song, đó lại là một công việc khá khó khăn. Ta chỉ dám đưa ra một vài ý kiến như sau:

  • Về các nguyên âm đơn như: a/ă/â, e/ê, i/y, o/ô/ơ, u/ư, và các nguyên âm ghép như: ia – yê – iê, oo, ua – uô, ưa – ươ thì ta thấy cũng khá hợp lý, nên để nguyên.
    • [Bổ sung] Vì ‘I’ và ‘Y’ đọc như nhau trong mọi trường hợp đứng đầu của từ nên theo ta nên bỏ đi vị trí này của ‘Y’ và thay bằng ‘I’, ví dụ: yêu – iêu, yến – iến. ‘Y’ sẽ được coi như một bán nguyên âm và nằm ở giữa từ: tuyên, xuyên hoặc là bán phụ âm và nằm ở cuối từ: tay, chay. ‘Y’ phát âm là /i/ khi là bán nguyên âm và phát âm là /y/ khi là bán phụ âm (???).
  • Về các phụ âm thì có phần rắc rối hơn, chủ yếu là ở các phụ âm ghép. Ta nghĩ có thể thay thế được các phụ âm ghép sau:
    • ‘PH’ thì nên thay bằng ‘F’ và đọc là /ph/~/phờ/: phở – fở, phim – fim. Cái này trước giờ chúng ta vẫn hay viết tắt và cũng khá quen rồi, nên có lẽ không khó để đổi.
    • ‘GI’ thì nên thay bằng ‘J’ và đọc là /ji/: giúp – júp, giáo – jáo. Ta đề xuất là nên thay chữ ‘GI’ này vì đây là một chữ ghép từ phụ âm ‘G’ với nguyên âm ‘I’ mà bản thân ‘G’ hay ‘GH’ đều đọc là /gờ/ cho nên thay thế bằng một chữ khác sẽ dễ hơn cho việc ghi chép. Lấy một ví dụ khác về phụ âm này cho mọi người thấy sẽ khó khăn khi nhận diện chữ cho phát âm: gi – ghi – gì – gìn.
    • ‘TR’ và ‘CH’ thì không cần phải thay. Bởi mặc dù âm phát có phần giống nhau nhưng nặng nhẹ khác nhau (/trờ/ và /chờ/), vả lại nó cũng biểu đạt nghĩa khác nhau khi ghép các âm khác nhau vào: chẻ – trẻ, cho – tro.
    • ‘NG’ và ‘NGH’ thì có thể thay thế cho gọn bằng ‘NG’ và đọc là /ng/~/ngờ/. Gần như không có sự khác biệt khi sử dụng hai chữ này cho nhau.
    • [Bổ sung] Trường hợp thay thế hoàn toàn ‘NG’ và ‘NGH’ bằng 1 ký tự mới thì ta đề nghị nên xem xét ký hiệu ‘η’ (một ký tự Hy Lạp gần giống chữ ‘n’ nhưng bị kéo dài chân sau xuống phía dưới). Ta chọn ký hiệu này vì  thấy nó có nét giống với ‘ng’ nên hi vọng sẽ không gây bỡ ngỡ.
    • ‘K’ mà ta hay đọc là /ca/ thì có thể thay cho phụ âm ghép ‘KH’ và đọc là /kờ/~/khờ/. Lý do là vì với các từ mà bắt đầu với chữ ‘K’ thì ta phát âm ‘K’ tương tự như ‘C’, như: kiêng – ciêng, kẻ – cẻ. Với lại chỉ riêng việc phát âm /ca/ cũng đủ cho thấy nó không phải là một phụ âm gốc.
    • ‘C’ thì vẫn sử dụng bình thường, ngoài ra thay thế cho các từ bắt đầu bằng chữ ‘K’ như đã trình bày phía trên và được đọc là /cờ/.
    • ‘QU’ thì ta nên thay thế bằng ‘W’ hoặc rút gọn là ‘Q’ và đọc là /w/~/wờ/~/quờ/. Bản thân ‘Q’ thì lại không được ghép với nguyên âm nào để có nghĩa mà phải đi chung với ‘U’ để tạo từ có nghĩa, do đó ta có thể rút gọn (và đổi cách đọc) hay thay thế bằng từ mới cũng được. Trong trường hợp thay thế, ta đề xuất chữ ‘W’ vì hiện tại khá nhiều người sử dụng thay thế như vậy. Chữ viết là công cụ trao đổi thông tin với nhau, nếu mọi người sử dụng và có thể hiểu thì không lẽ gì lại không thay được. Một vài ví dụ như: quốc – qốc – wốc, qua – qa – wa.
    • ‘X’ và ‘S’, đọc là /xờ/ và /sờ/, cũng cùng một kiểu phát âm nhưng nặng nhẹ khác nhau, nghĩa tạo ra cũng khác nhau cho nên giữ nguyên.
    • ‘D’ và ‘R’, đọc là /dờ/ và /rờ/, thì tương tự như ‘X’ và ‘S’ ở trên. Riêng ‘Đ’, đọc là /đờ/ thì cũng không cần bỏ vì nó đại diện cho một âm khác với ‘D’ (mặc dù nhìn ký hiệu thì ta có thể nhầm hai từ này). Cho nên, nếu bỏ từ ‘Đ’ thì phải kiếm từ khác thay thế cho nó và phát âm cũng là /đờ/ thì có lẽ không cần thiết. Hay ta thay bằng chữ ‘Z’ ???
    • ‘P’, đọc là /pờ/ là một phụ âm khá đặc biệt. Bản thân chữ P nếu không ghép với chữ H tạo thành PH (phụ âm kép ‘PH’, đọc là /phờ/~/fờ/) thì không thể đứng đầu bất cứ từ nào để tạo từ có nghĩa (giống ‘Q’) mà chỉ có thể đứng cuối từ như: lập, hiệp.
    • ‘NH’, đọc là /nhờ/, là một phụ âm khó kiếm ký hiệu thay thế, bởi ta muốn giữ lại cái nét vốn có của nó.
    • ‘TH’ đọc là /thờ/ và cũng chưa biết sẽ thay thế bằng ký hiệu nào.
    • [Bổ sung] Xem bảng chữ cái Latinh thì thấy người ta xếp chung ‘D’ và ‘TH’ cho một cách phát âm (có lẽ hai âm này chỉ khác nhau do phát âm nặng nhẹ!) nên ta nghĩ có thể thay thế như sau: ‘Z’ thay cho ‘D’ và đọc là /zờ/, ‘D’ thì dùng thay cho ‘Đ’ hiện tại và đọc là /dờ/~/đờ/, còn ‘Đ’ lại thay cho ‘TH’ hiện tại và đọc là /đờ/~/thờ/.
    • Các phụ âm còn lại thì vẫn giữ nguyên: ‘B’ đọc là /bờ/, ‘C’ đọc là /cờ/, ‘H’ đọc là /hờ/, ‘L’ đọc là /lờ/, ‘M’ đọc là /mờ/, ‘N’ đọc là /nờ/, ‘T’ đọc là /tờ/, ‘V’ đọc là /vờ/.
    • Các chữ cái Latinh hiện đại chưa có: ‘Z’, ‘W’

Hôm nay, tạm bàn đến đây đã. Khi khác, ta sẽ lại bàn tiếp vậy.

Một số bài viết được tham khảo trong quá trình viết bài:

http://123vietnamese.com/bang-chu-cai-tieng-viet-va-nhung-luu-y/

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/another-look-at-vn-language-reform-12012017110039.html

http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoang-hot-voi-de-xuat-thay-doi-bang-chu-cai-cua-pho-giao-su-bui-hien/749388.antd

https://vi.wikipedia.org/wiki/Bảng_chữ_cái_Hy_Lạp