[2023/06/18] Một vài suy nghĩ về đánh giá bằng điểm số.

Sau khi có một cuộc trao đổi nhỏ về việc chấm điểm các bài thi của sinh viên, tôi nghĩ rằng nên viết ra một số suy nghĩ nho nhỏ lên đây. Phần vì đôi khi tôi cũng được nghe về vấn đề này và cũng đã trao đổi ít nhiều, phần vì có thể sẽ cần đọc lại và bổ sung thêm nếu cần thiết.

Những lần trao đổi về việc chấm điểm mà tôi được tham gia dù bắt đầu bằng cách này hay cách khác thì đều có liên quan đến một vấn đề: người dạy nên chấm điểm “dễ” cho người học (hoặc là cứ chấm “gắt” như bình thường?!). Một số ý kiến thì cho rằng không nên quá khắt khe với người học, nên cho điểm một cách thoải mái vì điểm số không thể hiện hết được năng lực của người học; các doanh nghiệp cũng đâu chỉ dựa vào bảng điểm để tuyển dụng một nhân viên, họ sẽ đánh giá nhân viên thông qua khả năng làm việc thực tế theo thời gian; các sinh viên cũng chỉ muốn được qua môn, ra trường và có việc làm thôi nên không cần quá khắt khe… Nếu liệt kê thêm thì còn nhiều nữa, hiện tại thì tôi sẽ chỉ nói về một số lý do phía trên thôi.

Điểm số không thể hiện được năng lực của người học, theo tôi là đúng. Và tôi không phản bác gì điều này. Một sinh viên đạt điểm 10 môn Toán cao cấp không đồng nghĩa rằng sinh viên đó ra trường sẽ kiếm được việc với mức lương cao, một sinh viên đạt điểm 0 môn Quản trị chất lượng cũng có thể được nhận vào một vị trí làm việc tốt. Vấn đề ở đây là điểm số đánh giá cho một môn học thì chỉ thể hiện khả năng học của một sinh viên đối với môn học đó tại một thời điểm cụ thể. Bởi vì đánh đồng khả năng của một người với điểm số (mà điều này thì không đúng) nên người ta mới sử dụng lý do trên để giải thích. Bởi vì không tính đến các yếu tố thay đổi theo thời gian nên người ta mới gán điểm số của một người cho suốt phần đời còn lại của họ và đánh giá. Như một câu chuyện thường được kể về việc đánh giá khả năng của một con cá thông qua việc bài kiểm tra leo cây, ở đây người ta đang có một chút nhầm lẫn. Chúng ta không nên đánh giá một con cá là giỏi hay không bằng việc bắt nó leo cây – điều này đúng. Nhưng, nếu con cá chấp nhận bài kiểm tra leo cây (bằng vây của nó, hãy tưởng tượng một chút!) và rớt thì điểm bài kiểm tra leo cây của nó là bao nhiêu? Là 0/10 hay 10/10? Ai đó vừa định nói “hãy để con cá bơi xem” à? Đó là bài kiểm tra bơi, bạn à! Tôi đang hỏi về bài kiểm tra leo cây này thôi. Khi một học sinh lựa chọn một ngành học, sinh viên đó được tiếp cận chương trình giảng dạy cho ngành học đó. Nghĩa là, sinh viên đó biết những nội dung nào mà mình sẽ phải học. Và đó là lựa chọn của cô ấy hay cậu ấy (và dù đó là lựa chọn mang tính tự nguyện hay không, do hoàn cảnh hay tác động của yếu tố nào khác thì đó là một câu chuyện khác, tôi xin phép không thảo luận ở đây). Một ngành học gồm nhiều môn học, và nếu rớt một vài môn thì không đồng nghĩa với việc sinh viên không có khả năng. Nó chỉ mang ý nghĩa rất cụ thể, rằng sinh viên này không học tốt (các) môn học đó, không phải là tất cả các môn học. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, có thể là do giảng viên dạy khó hiểu hoặc không dạy [những nội dung sẽ thi], nội dung khó tiếp cận, sinh viên đó lười học, quên đi thi, hoặc chỉ là do sinh viên không có tố chất phù hợp với môn học (kiểu như bắt tôi vẽ thay vì làm toán vậy). Tóm lại, luận điểm “điểm số không thể hiện được năng lực của người học” thường bị sử dụng sai cho việc giải thích đánh giá người học bằng điểm số vì nhầm lẫn đối tượng: điểm số thường chỉ thể hiện cho một nội dung cụ thể, còn năng lực của người học là một tập hợp gồm nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, theo thời gian thì khả năng của người học sẽ dần cải thiện, còn điểm số thì thường giữ nguyên [trên bảng điểm] – nếu muốn so sánh chúng thì hãy đặt tại thời điểm mà điểm số được ghi nhận, nhé!

Một lý do khác tôi cũng thường được nghe là các doanh nghiệp đánh giá nhân viên bằng năng lực thực sự của họ, và thông qua công việc, chứ không phải điểm số. Và do đó, họ lý luận rằng không nên cho điểm quá gắt vì một cuộc sống dễ dàng hơn!! Chà, hãy giả sử một chủ doanh nghiệp nhỏ đang tuyển dụng 4 công nhân sản xuất. Một buổi sáng đẹp trời và cũng là hạn chót tuyển dụng, có 4 người đến nộp hồ sơ xin việc. Bạn nghĩ sao? Bà ấy sẽ nhận ngay cả 4 người vào thử việc, và cũng chả cần đánh giá bảng điểm kẹp trong 4 bộ hồ sơ này làm gì. Nhưng nếu có 4000 bộ hồ sơ xin việc thì sao? Những con số trong bảng điểm lúc này sẽ phát huy tác dụng của nó. Ít nhất, chúng sẽ cho chúng ta biết phần nào khả năng của những người này. Có người cho rằng chỉ cần có năng lực thì sẽ tìm được việc tốt, chẳng cần một bảng điểm tốt làm gì. Đó là trong trường hợp bạn được thể hiện năng lực của mình cho doanh nghiệp biết. Hay nói cách khác, đầu tiên bạn phải có cơ hội để thể hiện năng lực của mình, và sau đó là hãy thể hiện năng lực thực sự của mình. Hãy chú ý từ “cơ hội” ở trên. Nếu không có nó thì ai biết được bạn thực sự có năng lực hay không. Một bộ hồ sơ với bảng điểm tốt sẽ giúp người đó gia tăng cơ hội được nhận vào để thể hiện khả năng giữa hàng trăm, hàng ngàn bộ hồ sơ tương tự khác. Theo quan điểm của riêng tôi, có rất nhiều người tìm việc với năng lực bình thường (kể cả tôi) trong xã hội này và chỉ cần tăng một phần nhỏ cơ hội được nhận thử việc đã là một thành công rồi. Hãy bớt ảo tưởng về những chia sẻ của các cá nhân đột xuất, những người có năng lực vượt trội so với phần đông còn lại. Một số người trong số họ là đa tài trong nhiều lĩnh vực, những người khác lại rất giỏi trong lĩnh vực riêng của họ. Xã hội này có rất nhiều người như vậy, nhưng vẫn quá ít so với những “thường nhân” như tôi và bạn. Trong 4000 bộ hồ sơ xin việc kia, nếu có 3 cá nhân vượt trội và còn lại là những người với những bộ hồ sơ bình thường thì chỉ cần bảng điểm của tôi tốt hơn là tôi đã được “một vé” thử việc rồi đấy. Dĩ nhiên, tôi không nói rằng tôi giỏi hơn những người còn lại. Trong số 3996 người còn lại, ắt hẳn có nhiều người giỏi hơn tôi. Nhưng tôi đã vượt qua vòng loại đầu tiên, việc tiếp theo mà tôi phải làm là cố gắng thể hiện năng lực của mình trong công việc. Những người giỏi hơn kia thì phải chờ đợi cho đến khi tôi không được nhận sau thời gian thử việc vì năng lực của tôi không phù hợp, hoặc phải tìm việc ở nơi khác. Giả như sau này có nhiều tiến bộ trong việc đánh giá năng lực của các ứng viên (có thể xem xét một số lượng lớn trong một khoảng thời gian ngắn) thì cho đến hiện tại, những tấm bằng tốt và những điểm số cao vẫn là một lợi thế cho các sinh viên mới ra trường và đi tìm việc. Hãy ghi nhớ rằng, điểm số không thể hiện năng lực thực sự của bạn nhưng nó giúp bạn có thêm cơ hội để thể hiện năng lực đó.

Leave a comment