[2023/06/18] Một vài suy nghĩ về đánh giá bằng điểm số.

Sau khi có một cuộc trao đổi nhỏ về việc chấm điểm các bài thi của sinh viên, tôi nghĩ rằng nên viết ra một số suy nghĩ nho nhỏ lên đây. Phần vì đôi khi tôi cũng được nghe về vấn đề này và cũng đã trao đổi ít nhiều, phần vì có thể sẽ cần đọc lại và bổ sung thêm nếu cần thiết.

Những lần trao đổi về việc chấm điểm mà tôi được tham gia dù bắt đầu bằng cách này hay cách khác thì đều có liên quan đến một vấn đề: người dạy nên chấm điểm “dễ” cho người học (hoặc là cứ chấm “gắt” như bình thường?!). Một số ý kiến thì cho rằng không nên quá khắt khe với người học, nên cho điểm một cách thoải mái vì điểm số không thể hiện hết được năng lực của người học; các doanh nghiệp cũng đâu chỉ dựa vào bảng điểm để tuyển dụng một nhân viên, họ sẽ đánh giá nhân viên thông qua khả năng làm việc thực tế theo thời gian; các sinh viên cũng chỉ muốn được qua môn, ra trường và có việc làm thôi nên không cần quá khắt khe… Nếu liệt kê thêm thì còn nhiều nữa, hiện tại thì tôi sẽ chỉ nói về một số lý do phía trên thôi.

Điểm số không thể hiện được năng lực của người học, theo tôi là đúng. Và tôi không phản bác gì điều này. Một sinh viên đạt điểm 10 môn Toán cao cấp không đồng nghĩa rằng sinh viên đó ra trường sẽ kiếm được việc với mức lương cao, một sinh viên đạt điểm 0 môn Quản trị chất lượng cũng có thể được nhận vào một vị trí làm việc tốt. Vấn đề ở đây là điểm số đánh giá cho một môn học thì chỉ thể hiện khả năng học của một sinh viên đối với môn học đó tại một thời điểm cụ thể. Bởi vì đánh đồng khả năng của một người với điểm số (mà điều này thì không đúng) nên người ta mới sử dụng lý do trên để giải thích. Bởi vì không tính đến các yếu tố thay đổi theo thời gian nên người ta mới gán điểm số của một người cho suốt phần đời còn lại của họ và đánh giá. Như một câu chuyện thường được kể về việc đánh giá khả năng của một con cá thông qua việc bài kiểm tra leo cây, ở đây người ta đang có một chút nhầm lẫn. Chúng ta không nên đánh giá một con cá là giỏi hay không bằng việc bắt nó leo cây – điều này đúng. Nhưng, nếu con cá chấp nhận bài kiểm tra leo cây (bằng vây của nó, hãy tưởng tượng một chút!) và rớt thì điểm bài kiểm tra leo cây của nó là bao nhiêu? Là 0/10 hay 10/10? Ai đó vừa định nói “hãy để con cá bơi xem” à? Đó là bài kiểm tra bơi, bạn à! Tôi đang hỏi về bài kiểm tra leo cây này thôi. Khi một học sinh lựa chọn một ngành học, sinh viên đó được tiếp cận chương trình giảng dạy cho ngành học đó. Nghĩa là, sinh viên đó biết những nội dung nào mà mình sẽ phải học. Và đó là lựa chọn của cô ấy hay cậu ấy (và dù đó là lựa chọn mang tính tự nguyện hay không, do hoàn cảnh hay tác động của yếu tố nào khác thì đó là một câu chuyện khác, tôi xin phép không thảo luận ở đây). Một ngành học gồm nhiều môn học, và nếu rớt một vài môn thì không đồng nghĩa với việc sinh viên không có khả năng. Nó chỉ mang ý nghĩa rất cụ thể, rằng sinh viên này không học tốt (các) môn học đó, không phải là tất cả các môn học. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, có thể là do giảng viên dạy khó hiểu hoặc không dạy [những nội dung sẽ thi], nội dung khó tiếp cận, sinh viên đó lười học, quên đi thi, hoặc chỉ là do sinh viên không có tố chất phù hợp với môn học (kiểu như bắt tôi vẽ thay vì làm toán vậy). Tóm lại, luận điểm “điểm số không thể hiện được năng lực của người học” thường bị sử dụng sai cho việc giải thích đánh giá người học bằng điểm số vì nhầm lẫn đối tượng: điểm số thường chỉ thể hiện cho một nội dung cụ thể, còn năng lực của người học là một tập hợp gồm nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, theo thời gian thì khả năng của người học sẽ dần cải thiện, còn điểm số thì thường giữ nguyên [trên bảng điểm] – nếu muốn so sánh chúng thì hãy đặt tại thời điểm mà điểm số được ghi nhận, nhé!

Một lý do khác tôi cũng thường được nghe là các doanh nghiệp đánh giá nhân viên bằng năng lực thực sự của họ, và thông qua công việc, chứ không phải điểm số. Và do đó, họ lý luận rằng không nên cho điểm quá gắt vì một cuộc sống dễ dàng hơn!! Chà, hãy giả sử một chủ doanh nghiệp nhỏ đang tuyển dụng 4 công nhân sản xuất. Một buổi sáng đẹp trời và cũng là hạn chót tuyển dụng, có 4 người đến nộp hồ sơ xin việc. Bạn nghĩ sao? Bà ấy sẽ nhận ngay cả 4 người vào thử việc, và cũng chả cần đánh giá bảng điểm kẹp trong 4 bộ hồ sơ này làm gì. Nhưng nếu có 4000 bộ hồ sơ xin việc thì sao? Những con số trong bảng điểm lúc này sẽ phát huy tác dụng của nó. Ít nhất, chúng sẽ cho chúng ta biết phần nào khả năng của những người này. Có người cho rằng chỉ cần có năng lực thì sẽ tìm được việc tốt, chẳng cần một bảng điểm tốt làm gì. Đó là trong trường hợp bạn được thể hiện năng lực của mình cho doanh nghiệp biết. Hay nói cách khác, đầu tiên bạn phải có cơ hội để thể hiện năng lực của mình, và sau đó là hãy thể hiện năng lực thực sự của mình. Hãy chú ý từ “cơ hội” ở trên. Nếu không có nó thì ai biết được bạn thực sự có năng lực hay không. Một bộ hồ sơ với bảng điểm tốt sẽ giúp người đó gia tăng cơ hội được nhận vào để thể hiện khả năng giữa hàng trăm, hàng ngàn bộ hồ sơ tương tự khác. Theo quan điểm của riêng tôi, có rất nhiều người tìm việc với năng lực bình thường (kể cả tôi) trong xã hội này và chỉ cần tăng một phần nhỏ cơ hội được nhận thử việc đã là một thành công rồi. Hãy bớt ảo tưởng về những chia sẻ của các cá nhân đột xuất, những người có năng lực vượt trội so với phần đông còn lại. Một số người trong số họ là đa tài trong nhiều lĩnh vực, những người khác lại rất giỏi trong lĩnh vực riêng của họ. Xã hội này có rất nhiều người như vậy, nhưng vẫn quá ít so với những “thường nhân” như tôi và bạn. Trong 4000 bộ hồ sơ xin việc kia, nếu có 3 cá nhân vượt trội và còn lại là những người với những bộ hồ sơ bình thường thì chỉ cần bảng điểm của tôi tốt hơn là tôi đã được “một vé” thử việc rồi đấy. Dĩ nhiên, tôi không nói rằng tôi giỏi hơn những người còn lại. Trong số 3996 người còn lại, ắt hẳn có nhiều người giỏi hơn tôi. Nhưng tôi đã vượt qua vòng loại đầu tiên, việc tiếp theo mà tôi phải làm là cố gắng thể hiện năng lực của mình trong công việc. Những người giỏi hơn kia thì phải chờ đợi cho đến khi tôi không được nhận sau thời gian thử việc vì năng lực của tôi không phù hợp, hoặc phải tìm việc ở nơi khác. Giả như sau này có nhiều tiến bộ trong việc đánh giá năng lực của các ứng viên (có thể xem xét một số lượng lớn trong một khoảng thời gian ngắn) thì cho đến hiện tại, những tấm bằng tốt và những điểm số cao vẫn là một lợi thế cho các sinh viên mới ra trường và đi tìm việc. Hãy ghi nhớ rằng, điểm số không thể hiện năng lực thực sự của bạn nhưng nó giúp bạn có thêm cơ hội để thể hiện năng lực đó.

[Book+]Thánh kinh của những tín đồ cà phê – Dr. Bob Arnot

Thông tin về sách:

Tác giả: Dr. Bob Arnot

Dịch giả: Hoàng Quyên

Số trang: 441

Số QĐ của NXB Dân Trí: 1193/QĐXB/NXBDT, ngày 23/9/2020


Phải nói rõ ngay từ đầu rằng tôi đánh giá không cao cuốn sách này. Không phải là do nội dung sách, mà là do bản thân tôi không thích những cuốn sách có nội dung thực hành kiểu như liệt kê ra từng bước thực hiện của một quá trình tự rèn luyện. Có thể với người khác thì điều này là có ích, vì những chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể. Song với tôi thì đó là cảm giác bị bó buộc. Một phần cũng vì những thực đơn soạn sẵn, những thực phẩm được liệt kê trong sách vốn không dễ gì tiếp cận được [với tôi], do đó tôi đã bỏ qua chúng.

Dù sao, nếu bạn là một người có hứng thú đặc biệt với loại thức uống này, và cũng đang cần một chế độ [ăn uống] giảm cân hiệu quả, thì có lẽ cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Continue reading “[Book+]Thánh kinh của những tín đồ cà phê – Dr. Bob Arnot”

[05/27/2021]Đọc sách.

Đọc sách.

Ban đầu là tiếp nhận với một tâm hồn trẻ thơ.

Tiếp theo, hãy chối bỏ như một thanh niên “nổi loạn”. Đồng thời cũng cần tư duy bằng trí tuệ của một người trưởng thành.

Và sau đó, chiêm nghiệm như một người già từng trải và đầy kinh nghiệm.

Bởi vậy, có những cuốn sách mà phải đọc tới lần thứ hai, thứ ba thì ta mới thực sự thấy được cái hay của cuốn sách. Như việc thưởng thức một ly cà-phê-bắp-rang-cháy vậy, ta sẽ nhăn mặt mà cho rằng cà phê là một loại thức uống dở tệ. Làm sao mà cảm nhận được cà phê khi mà ta chưa được uống cà phê đúng chất?!

Nhưng, cảnh giới cuối cùng của việc đọc sách [có lẽ] là vượt ra ngoài cả những câu chữ trong sách. Cảm nhận của bản thân vẫn chưa đủ, mà hãy đồng điệu với tác giả, với những gì mà tác giả muốn gửi gắm trong những trang sách kia.

Những điều đó vốn dĩ không câu chữ nào truyền tải được. Mà chính những câu chữ đó lại là “xiềng xích” trói buộc chúng.

Vậy thì phải làm sao?

Hãy quên đi, đừng tìm kiếm vô ích! Sự thông thái không phải trí tuệ cực hạn, cũng không phải là kinh nghiệm dày dặn mà một người có thể có. Sự thông thái – Đạo – vốn đã ở đó sẵn rồi.

[03/25/2021]Có công mài sắt…

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Câu tục ngữ Việt Nam này có ý khuyên nhủ chúng ta rằng nếu chịu khó và kiên trì làm một việc gì đó thì ắt có ngày sẽ thành.

Ông cha ta, trong quá trình sinh sống và phát triển, đã đúc kết những kinh nghiệm của mình vào những câu ca dao, tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng súc tích nhằm truyền đạt lại những bài học quý báu cho thế hệ sau. Vì vậy, khi đọc chúng thì chúng ta không nên chỉ tập trung vào nghĩa đen của những từ, những ngữ trong đó mà cần phải thấu được cái ý nghĩa sâu xa đằng sau mặt chữ.

Tại sao lại cần phải ẩn đi những bài học đó trong những sự vật, sự việc hàng ngày? Đó là vì sự quen thuộc. Sẽ dễ dàng để liên tưởng đến cái được gọi là “mài [cục] sắt”, “cây kim”, hơn là những thứ như “sự kiên trì”, “sự thành công”. Bên cạnh đó, ông cha ta cũng sử dụng những hình ảnh có tính chất liên tưởng cao, khiến cho từ những sự vật, sự việc cụ thể vẫn có thể dẫn dụ suy nghĩ của chúng ta đến được cái ý mà họ muốn chúng ta hiểu được: việc mài một cục sắt thì tốn khá nhiều thời gian, công sức, và cần có sự nỗ lực, sự kiên trì của một người cho đến khi nó có được hình hài của một cây kim; và cây kim là kết quả của việc mài sắt, nó thể hiện cho việc đạt được mục tiêu sau một thời gian dài nỗ lực hay có thể nói đó là biểu tượng cho sự thành công.

Nếu như ông cha ta muốn nói đến “sự kiên trì” hay “sự thành công” một cách trực tiếp thì sao? Theo một số từ điển tiếng Việt phổ biến thì: “sự kiên trì” là không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn, trở lực; và “sự nỗ lực” là đạt được kết quả, mục đích như dự định. Hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ giải thích cho con trẻ như thế nào về chúng mà không cần minh họa bằng những sự vật, sự việc quen thuộc với trẻ? Tôi có một suy nghĩ cá nhân là có lẽ ông cha ta cũng đã làm những điều tương tự như vậy, nhưng rút cuộc, sau hàng ngàn năm thì chỉ có những câu ca dao, tục ngữ như trên là được giữ gìn cho đến tận bây giờ. Dẫu cho những đứa trẻ chưa thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa của chúng nhưng ít nhất thì những câu ca dao, tục ngữ này rất dễ nhớ. Và khi trưởng thành, bằng sự chiêm nghiệm của chính bản thân, những “đứa trẻ ngày nào” sẽ hiểu được tầng nghĩa phía dưới, để rồi họ lại lặp lại công việc của thế hệ trước: truyền đạt lại cho thế hệ sau kinh nghiệm của mình dưới dạng những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc. Và đây [theo tôi] cũng là một trong những lý do mà người xưa lại đưa kinh nghiệm vào ca dao và tục ngữ: những hiểu biết mà do chính chúng ta tìm kiếm, chiêm nghiệm và chứng thực được thì mới là của chúng ta, còn chỉ tiếp nhận đơn thuần từ người khác thì vẫn chưa phải là của chúng ta. Và một khi chúng ta nhận thấy được điều đó là hợp lý, là hữu ích thì chúng ta mới truyền đạt lại cho thế hệ sau.

Các thế hệ đi trước giống như những tấm lọc vô hình, chỉ những kinh nghiệm nào thực sự có ý nghĩa mới trường tồn theo thời gian cho đến tận bây giờ. Hơn thế nữa, đó không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là kiến thức tích lũy của nhiều thế hệ hay nói không quá là của cả một dân tộc.

Đánh giá tính đúng – sai của những câu ca dao, tục ngữ chỉ với những từ ngữ thể hiện chúng chỉ là những câu chuyện phiếm, vui miệng khi rảnh rỗi bên chén trà hay ly cà phê. Nó chỉ mang tính giải trí, giảm bớt tính căng thẳng và sự mệt nhọc của cuộc sống hiện đại khô khan về mặt tinh thần như bây giờ. Vui thì được, nhưng đừng vui quá rồi quên mất điều gì thực sự có ý nghĩa.

Trước đây, tôi cũng đã từng cố gắng phản biện lại những lời giải thích về câu tục ngữ trên của một số bạn trẻ theo cách hiểu “thô” của họ. Tôi có thể trả lời được tại sao người xưa lại phải “mài sắt” chứ không bán [cục] sắt đó đi để mua kim. Điều đó, trong thoáng chốc, khiến tôi cảm thấy hài lòng. Nhưng rồi sau đó tôi chợt nhận ra sự vô nghĩa khi cố gắng đi giải thích điều đó. Đúng vậy, càng cố gắng giải thích thì nó lại càng xa rời ý nghĩa thực sự mà ông cha ta muốn gửi gắm phía sau 8 chữ ngắn gọn đó mà thôi. Khi đã hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ rồi thì 8 chữ đó không còn cần thiết nữa. Tuy vậy, chúng vẫn là “chiếc thuyền” để giúp những người khác tiếp cận “bờ bên kia”, để rồi sau khi đưa những người này đến được bờ bên kia thì chúng lại trở lại bờ bên này tiếp tục chở những người khác. Nhược bằng cứ bám mãi “chiếc thuyền” thì làm sao ta lên được “bờ”?

[03/08/2021] Đủ.

Thêm bao nhiêu mới được gọi là đủ?

Mà bớt một chút đã là ít rồi?

Nhiều quá cũng khổ, là vì lòng ham muốn có thêm nữa. Đó là khổ vì dục vọng.

Ít quá cũng khổ, là vì lo lắng sự cơ cực. Đó là khổ vì phiền não.

Cho nên, biết đủ là đủ thì sẽ mãi vui.

Không biết đủ, mà cứ ham muốn có thêm, thêm bao nhiêu cũng không vừa lòng thì sẽ mãi không thấy thỏa mãn. Càng vơ vét bao nhiêu thì lại càng thấy của cải còn nhiều bấy nhiêu, không thể không thêm nữa.

Không biết đủ, thấy ít lại lo toan, lại sợ sự cơ cực, đói khổ. Đã lo lại càng thêm lo, là vì lo nhiều thì nghĩ nhiều, mà càng nghĩ nhiều thì càng sầu não, khổ đau.

Biết dừng đúng lúc, biết đủ biết đầy thì tâm sẽ an vui, thanh tịnh mà nhân đó sống một cuộc đời đáng sống hơn.

Biết dừng đúng lúc thì sẽ tránh cho ta cái tai họa vào thân. Ví như ăn vừa tới thì no, ăn nhiều quá thì tức ngực, khó thở. Đó chả phải là họa vào thân sao?

Biết đủ biết đầy thì sẽ giúp ta dứt khỏi cái sự khổ và phiền não. Tâm trí sẽ không còn ưu phiền, tinh thần thì phấn chấn, cơ thể thì khỏe mạnh và cảm thấy cuộc đời thật tươi đẹp biết bao nhiêu. Ví như những người nhiều tiền phải suốt ngày nơm nớp lo sợ có kẻ sẽ cướp tiền của họ, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm trí rối bời thì làm sao mà biết được cuộc đời tươi đẹp như thế nào. Như vậy há chẳng phải khổ lắm ru?

[01/26/2021] Nhớ em!

Hôm nay lại được gặp em nữa.

Anh đã lên rất sớm, và chờ.

Bất chợt anh cảm giác nhớ em. Thật lạ!

4 năm qua, ngày lại qua ngày, đối với anh ngày nào cũng như vậy. Không phải là những sự việc lặp đi lặp lại khiến anh nhàm chán rồi không còn cảm xúc. Đơn giản là anh cảm thấy cũng không có gì thực sự khác biệt…đáng kể.

Có thể đó là một buổi sáng, đọc một cuốn sách và bắt gặp một ý tưởng thật hay, anh tìm thấy cây bút và ghi chú một vài dòng. Sẵn ly cà phê trên bàn, anh với tay lấy và uống một ngụm. Nhẹ nhàng đặt xuống và rồi lại đọc tiếp.

Có thể đó là một buổi tối, mấy anh em hẹn nhau một cuộc nhậu, rồi cũng sẽ đến đoạn hồi tưởng về cái hồi xa xưa ấy. Tụi anh cười, tâm sự với nhau rồi lại cùng nâng ly lên cụng. Làm một hơi hết một ly và đặt một phát thật mạnh xuống bàn. Lên chai mới thôi!

Có thể đó là một buổi chiều, chả biết làm gì cả, anh dắt xe ra và rong ruổi những con đường quen mà trông không quen. Mọi thứ dường như lạ lẫm hẳn khi chúng ta nhìn kỹ chúng. Khẽ hít lấy một hơi, không khí bị ám chút khói bụi cũng hơi khó chịu, rồi lại thở ra chậm rãi và tiếp tục đi.

Rất nhiều. Rất nhiều buổi như vậy trong 4 năm qua. Nhưng tuyệt nhiên, có một thứ cảm xúc đã từng ngự trị trong tim anh nhiều năm về trước lại không xuất hiện. Anh nghĩ rằng mình đã mất cảm xúc yêu rồi.

Cho đến khi anh gặp và yêu em.

Yêu rồi nhớ.

Nhớ em.

Và điều đó khiến cho mỗi thời khắc trôi qua với anh, bây giờ, thật kỳ lạ.

Có phải là lúc mới yêu thì ai cũng có cảm giác như vậy không nhỉ? Vì anh không nghĩ rằng duy trì trạng thái như thế này liên tục là tốt cho sức khỏe đâu, ít nhất là với con tim yếu đuối của loài người. Nó không được thiết kế để “nhảy múa” một cách mãnh liệt như vậy. Và nếu cứ thế này thì nó sẽ kiệt sức mất thôi :).

Ôi! Nhớ em làm tim anh dần kiệt sức, em ơi!

[01/23/2021]Yêu em, anh có nên?

Giờ thì trái tim này đã không còn lớp phòng thủ nữa rồi. Chợt nhận ra mình đã yêu em.

Không biết từ lúc nào mà anh đã yêu em.

Không biết vì điều gì mà anh đã yêu em.

Chỉ biết là mỗi thời khắc trôi qua, anh lại cảm thấy nhớ em.

Chỉ biết là mỗi lúc nhớ tới em, nhịp đập trái tim này lại nặng nề hơn.

Chỉ biết là mỗi lúc nhớ tới em, anh lại cảm thấy sợ sẽ mất em.

À, mà làm sao anh lại mất em được khi vốn dĩ anh đã có được em đâu. Ta làm sao mất nhau được khi mà ta vốn chưa hề thuộc về nhau.

Đúng rồi. Vì đó chỉ là cảm giác của anh. Cảm giác đó chưa thể hiện tới em, hoặc là có. Nhưng dù sao, em vẫn chưa phản hồi lại cảm giác của anh, với bất kì hành động nào. Hay có lẽ là do anh không biết chăng?

Thật là rối trí!

Anh chưa dám thổ lộ với em, vì anh sợ.

Anh sợ là chúng ta sẽ đánh mất mối quan hệ hiện tại. Em sẽ tránh né anh, chắc không đâu. Nhưng hẳn là em sẽ ngại mỗi khi ta thấy nhau. Và rồi sẽ dần xa anh từng ngày một cách từ từ và chậm rãi.

Ôi! Một cảm giác ẩn chứa sự vô vọng đáng sợ. Có ai đó nói rằng, bất hạnh nhất không phải là khi ta thất vọng trước một điều gì mà là khi ta không thể tìm thấy một điều gì đó để hi vọng.

Anh nên làm gì tiếp theo đây? Anh sẽ nói với em là anh yêu em chăng? Hay cứ để mọi chuyện cứ tiếp diễn như trước giờ vẫn vậy?

Tôi không biết nữa.

Trước đây, đúng hơn là trong 4 năm gần đây, mỗi khi tôi có cảm xúc trước một người con gái nào đó thì cảm giác đó sẽ trôi qua khá nhanh. Và tôi cũng không cảm thấy luyến tiếc gì lắm. Trái tim lạc nhịp rồi sẽ nhanh chóng trở về trạng thái cũ. Có lẽ một phần là do cảm giác day dứt, có chút ân hận từ cuộc tình đầu tiên?

Và khi lần đầu gặp em, anh cũng không có cảm giác gì khác lạ cả. Thậm chí, anh còn không hề rung động. Anh nghĩ là vậy. Và theo bình thường, hai ta gặp nhau rồi sẽ lướt qua nhau, rồi chẳng còn liên quan gì đến nhau nữa.

Nhưng…

Ở đời luôn có lắm những chữ nhưng, và lần này cũng vậy. Ta gặp lại nhau, và một thế lực thần bí nào đó khiến anh chợt xao xuyến với ánh mắt của em. Đùa thôi, chả có thế lực nào ở đây cả. Đó là trái tim của anh đó. Nó đã yêu. Và anh đã yêu em mất rồi.

Anh không biết đã bao lâu rồi mới có lại cảm giác kì lạ như vậy. Cảm giác này khiến anh vừa vui mừng vừa sợ hãi. Và thực ra là ban đầu thì anh đã sợ nhiều hơn là mừng. Vì anh biết đó là gì, đó là cảm giác yêu một người nào đó. Tại thời điểm đó, anh biết là anh đã yêu em.

Dù đã ra sức chối bỏ, viện dẫn về những bất chợt trong cảm xúc như bao lần, nhưng rồi anh không thể làm ngơ được sự thật.

Anh sẽ thổ lộ với em, dù cho kết quả là gì. Đúng vậy! Anh sẽ nói. Ít nhất anh sẽ không phải hối hận.

Yêu em, L.

[05/28/2020]Lại việc ăn thịt chó (2).

Có người cho rằng ở Việt Nam đa phần thịt chó bán trong quán đều là chó bị ăn trộm, cho nên cần cấm ăn thịt chó để hạn chế việc trộm chó.

Ý kiến của tôi:

Đầu tiên, tôi không rõ “đa phần” là bao nhiêu, nhưng tôi cho rằng trong số 5 triệu con chó được tiêu thụ ở Việt Nam (số liệu ước tính của Liên minh bảo vệ chó Châu Á, ACPA) thì phần đóng góp của các “cẩu tặc” là không đáng kể. Làm một tính toán nhỏ sau, giả sử mỗi ngày các “cẩu tặc” bắt trộm được 100 con chó/tỉnh thì sau một năm (365 ngày) số lượng chó bị trộm sẽ là 100*365*63 = 2,299,500 con chó. Lượng chó này vẫn chưa chiếm đến 50% lượng chó tiêu thụ ước tính nên không thể gọi là “đa phần”. Thêm vào đó, mỗi ngày mà mỗi tỉnh bị trộm tới 100 con chó (và duy trì đều đặn trong 365 ngày) thì vấn nạn trộm chó thực sự là đáng báo động.

Thứ hai, Việt Nam hiện đã có các trang trại chó thịt – nuôi chó lấy thịt theo hình thức công nghiệp – giống như nuôi heo, bò, gà, vịt vậy. Mặc dù quy mô của những trang trại này chưa lớn nhưng nó cũng cho ta thấy rằng đã có những người suy nghĩ nghiêm túc về việc chăn nuôi chó lấy thịt để cung cấp cho thị trường. Các trang trại chó thịt cũng là một biện pháp để hạn chế việc trộm chó. Vì khi quy mô tăng lên, kỹ thuật chăn nuôi được cải tiến sẽ giúp hạ giá thành thịt chó thương phẩm và khiến cho việc trộm chó bán thịt kém hấp dẫn hơn (và rủi ro cao hơn).

Thứ ba, việc trộm chó và việc ăn thịt chó là 2 vấn đề khác nhau, không nên đánh lận trong lập luận như vậy. Giống như việc trộm gà và ăn thịt gà vậy. Chúng ta lên án việc trộm gà (mà đã là ăn trộm thì trộm cái gì cũng đáng lên án cả) nhưng chúng ta đâu phản đối ăn thịt gà!

Thứ tư, việc trộm chó là do quản lý chưa tốt, do đó để hạn chế việc trộm chó thì cần cải thiện việc quản lý vật nuôi. Đối tượng chính ở đây là hành động trộm chó, không phải là việc ăn thịt chó. Tư duy quản lý không được thì cấm là tiêu cực và sai đối tượng. Ai đó có nói rằng tạm thời cấm ăn thịt chó để hạn chế việc trộm chó, ý kiến này…cũng hay nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Phải xử lý được căn nguyên của vấn đề thì mới là giải pháp bền vững.

Thứ năm, việc ngược đãi chó khi nuôi hay trước khi chế biến thì chung quy lại cũng giống với hành động trộm chó, ta không nên đánh đồng với việc ăn thịt chó. Nếu người nuôi ngược đãi chó nuôi lấy thịt, hãy xử phạt họ bằng luật. Nếu người chế biến thịt chó đánh đập chó vì họ cho rằng như vậy thịt chó sẽ ngon hơn, hãy xử phạt họ bằng luật.

Và cuối cùng, một số bạn sẽ lập luận rằng chó thân thiết với chúng ta, là bạn của chúng ta và chúng trung thành với con người…Điều đó không sai. Nhưng đó là với những con chó mà chúng ta nuôi. Còn nếu đó là những chú chó được nuôi theo kiểu công nghiệp để lấy thịt thì chúng cũng giống như những con heo, những con gà được nuôi để bạn có được miếng sườn non xào chua ngọt hay cái đùi gà rán thơm phức trong phần ăn của bạn vậy.

Đừng phân biệt đối xử giữa các loài động vật.

Đừng đối xử bạo tàn đối với các loài động vật.

[SoL]Về việc sử dụng từ Hán-Việt trong tiếng Việt.

[SoL]Về việc sử dụng từ Hán-Việt trong tiếng Việt.

Theo nhiều nhà nghiên cứu về ngôn ngữ thì có đến 60%-70% những từ gốc Hán trong tiếng Việt. Theo thời gian thì nhiều từ đã bị sử dụng với nghĩa khác đi ít nhiều so với nghĩa ban đầu. Thậm chí, nhiều từ bị sử dụng nhầm lẫn với những từ thuần Việt dẫn đến việc hiểu sai. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì e là chừng một thời gian nữa thôi thì những từ sai này sẽ được sử dụng như những từ bình thường khác. Bởi vậy, việc dạy từ Hán-Việt là thực sự cần thiết nhằm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng như giúp những thế hệ sau có được hiểu biết một cách đúng đắn hơn về tiếng Việt.

Tuy vậy, dạy từ Hán-Việt không nhất thiết phải dạy mặt chữ Hán. Rõ ràng là nếu biết được mặt chữ Hán và cách chiết tự sẽ giúp cho người học có kiến thức sâu hơn về việc sử dụng từ Hán-Việt. Tuy nhiên, việc đó thực sự quá tốn công sức và thời gian. Chương trình học của thế hệ học sinh bây giờ vốn đã quá nặng nên phần nào không thiết thì nên bớt đi. Bên cạnh đó, chữ Quốc ngữ của chúng ta sử dụng kí tự Latin để thể hiện trên văn bản (không giống như Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn sử dụng kí tự tượng hình để thể hiện chữ Hán được vay mượn trong ngôn ngữ của họ) nên cũng chỉ cần hiểu nghĩa để dùng là được rồi.

Bắt đầu dạy từ Hán-Việt thì ta nên dạy từng tự (chữ) trước, sau đó mới hướng dẫn cách ghép thành từ.

  • Dạy chữ: nên sử dụng những từ thuần Việt để giải thích nghĩa và kèm theo ví dụ minh họa. Ví dụ, chữ quy có 4 nghĩa[1]. 1) trở về: quy tiên, quy hàng, hồi quy…; 2) phép tắc, hoạch định: nội quy, quy chế, quy hoạch; 3) theo: quy y, tam quy; 4) con rùa: thần Kim Quy.
  • Cách ghép các chữ thành từ: thông thường thì từ Hán-Việt có trật tự từ ngược lại với từ thuần Việt. Ví dụ, từ viên ngọc màu đỏ là từ thuần Việt có trật tự từ là ‘danh từ + tính từ (bổ nghĩa cho danh từ)’, chuyển sang từ Hán-Việt thì sẽ là hồng ngọc với trật tự từ là ‘tính từ (bổ nghĩa cho danh từ) + danh từ’.

Tiếp theo đó, ta nên dạy những từ Hán-Việt quen thuộc, hay được sử dụng hàng ngày. Và để giúp người học có hứng thú hơn với việc học từ Hán-Việt thì cố gắng liên hệ nghĩa đen với nghĩa bóng cũng như quá trình hình thành ý nghĩa của chúng. Ví dụ, từ tục huyền (gồm chữ tục nghĩa là nối lại và huyền nghĩa là dây đàn) có nghĩa đen là ‘nối lại dây đàn’. Khi người đàn ông mất vợ thì người ta liên tưởng đến hình ảnh dây đàn bị đứt, cho nên khi người đó đi lấy vợ khác thì giống như dây đàn được nối lại. Từ đó, từ tục huyền có thêm nghĩa bóng là ‘người đàn ông lấy vợ khác sau khi vợ mất’[2]. Nếu chỉ dạy nghĩa đen và nghĩa bóng của một từ Hán-Việt thì người học sẽ khó nhớ hơn, nhưng bằng cách gợi hình ảnh liên tưởng trong quá trình hình thành ý nghĩa của từ đó thì người học sẽ cảm thấy hứng khởi hơn, nhớ nghĩa lâu hơn.

Tuy nhiên, nhiều chữ và từ Hán-Việt sau một thời gian bị sử dụng sai đã trở thành thông thường. Ta cũng nên chỉ ra những điều này trong quá trình dạy.

  • Với chữ Hán-Việt thì thường bị nhầm lẫn với những từ thuần Việt do đồng âm hoặc phát âm gần giống. Ví dụ, chữ yếu là một từ Hán-Việt và cũng là một từ thuần Việt. Chữ Hán-Việt yếu nghĩa là ‘quan trọng’, nên ta có những từ như yếu nhân (người quan trọng), cốt yếu (quan trọng mang tính cốt lỗi), yếu điểm (điểm quan trọng)… Trong khi đó, chữ thuần Việt yếu lại mang thể hiện sự yếu đuối, yếu ớt.
  • Với từ Hán-Việt thì thường bị sử dụng sai trật tự từ. Ví dụ, lẽ ra phải nói Singapore là một đảo quốc – quốc gia ở trên đảo – thì giờ đây chúng ta hay nói là quốc đảo Singapore. Những từ như thế này thì sau một thời gian sử dụng lại trở nên phổ biến đến mức trở thành bình thường và mọi người cảm thấy là đúng
  • Trong nhiều trường hợp lại có những từ ghép “nửa thuần Việt nửa Hán-Việt” dẫn đến những cách nói, cách viết “lạ”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Những trường hợp như thế này cần phê phán và nên tránh.
  • Thêm vào đó, nhiều từ Hán-Việt có nghĩa đã bị thay đổi so với nghĩa ban đầu, dẫn đến cách sử dụng cũng khác biệt. Ví dụ, từ quan ngại (gồm từ quan có nghĩa là cửa ải và từ ngại có nghĩa là hạn chế, vướng mắc) vốn có nghĩa ban đầu là ‘ngăn trở’ thì bây giờ thường được các nhân viên ngoại giao sử dụng để thể hiện ‘sự quan tâm có phần lo lắng, không hài lòng’ (có lẽ là do ghép của từ quan tâmái ngại chăng (?)).

[1] Xem Nguyễn Đức Dân (2018, tr. 284). Từ câu sai đến câu hay, NXB Trẻ.

[2] Xem Nguyễn Đức Dân (2018, tr. 284). Từ câu sai đến câu hay, NXB Trẻ.