[03/25/2021]Có công mài sắt…

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Câu tục ngữ Việt Nam này có ý khuyên nhủ chúng ta rằng nếu chịu khó và kiên trì làm một việc gì đó thì ắt có ngày sẽ thành.

Ông cha ta, trong quá trình sinh sống và phát triển, đã đúc kết những kinh nghiệm của mình vào những câu ca dao, tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng súc tích nhằm truyền đạt lại những bài học quý báu cho thế hệ sau. Vì vậy, khi đọc chúng thì chúng ta không nên chỉ tập trung vào nghĩa đen của những từ, những ngữ trong đó mà cần phải thấu được cái ý nghĩa sâu xa đằng sau mặt chữ.

Tại sao lại cần phải ẩn đi những bài học đó trong những sự vật, sự việc hàng ngày? Đó là vì sự quen thuộc. Sẽ dễ dàng để liên tưởng đến cái được gọi là “mài [cục] sắt”, “cây kim”, hơn là những thứ như “sự kiên trì”, “sự thành công”. Bên cạnh đó, ông cha ta cũng sử dụng những hình ảnh có tính chất liên tưởng cao, khiến cho từ những sự vật, sự việc cụ thể vẫn có thể dẫn dụ suy nghĩ của chúng ta đến được cái ý mà họ muốn chúng ta hiểu được: việc mài một cục sắt thì tốn khá nhiều thời gian, công sức, và cần có sự nỗ lực, sự kiên trì của một người cho đến khi nó có được hình hài của một cây kim; và cây kim là kết quả của việc mài sắt, nó thể hiện cho việc đạt được mục tiêu sau một thời gian dài nỗ lực hay có thể nói đó là biểu tượng cho sự thành công.

Nếu như ông cha ta muốn nói đến “sự kiên trì” hay “sự thành công” một cách trực tiếp thì sao? Theo một số từ điển tiếng Việt phổ biến thì: “sự kiên trì” là không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn, trở lực; và “sự nỗ lực” là đạt được kết quả, mục đích như dự định. Hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ giải thích cho con trẻ như thế nào về chúng mà không cần minh họa bằng những sự vật, sự việc quen thuộc với trẻ? Tôi có một suy nghĩ cá nhân là có lẽ ông cha ta cũng đã làm những điều tương tự như vậy, nhưng rút cuộc, sau hàng ngàn năm thì chỉ có những câu ca dao, tục ngữ như trên là được giữ gìn cho đến tận bây giờ. Dẫu cho những đứa trẻ chưa thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa của chúng nhưng ít nhất thì những câu ca dao, tục ngữ này rất dễ nhớ. Và khi trưởng thành, bằng sự chiêm nghiệm của chính bản thân, những “đứa trẻ ngày nào” sẽ hiểu được tầng nghĩa phía dưới, để rồi họ lại lặp lại công việc của thế hệ trước: truyền đạt lại cho thế hệ sau kinh nghiệm của mình dưới dạng những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc. Và đây [theo tôi] cũng là một trong những lý do mà người xưa lại đưa kinh nghiệm vào ca dao và tục ngữ: những hiểu biết mà do chính chúng ta tìm kiếm, chiêm nghiệm và chứng thực được thì mới là của chúng ta, còn chỉ tiếp nhận đơn thuần từ người khác thì vẫn chưa phải là của chúng ta. Và một khi chúng ta nhận thấy được điều đó là hợp lý, là hữu ích thì chúng ta mới truyền đạt lại cho thế hệ sau.

Các thế hệ đi trước giống như những tấm lọc vô hình, chỉ những kinh nghiệm nào thực sự có ý nghĩa mới trường tồn theo thời gian cho đến tận bây giờ. Hơn thế nữa, đó không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là kiến thức tích lũy của nhiều thế hệ hay nói không quá là của cả một dân tộc.

Đánh giá tính đúng – sai của những câu ca dao, tục ngữ chỉ với những từ ngữ thể hiện chúng chỉ là những câu chuyện phiếm, vui miệng khi rảnh rỗi bên chén trà hay ly cà phê. Nó chỉ mang tính giải trí, giảm bớt tính căng thẳng và sự mệt nhọc của cuộc sống hiện đại khô khan về mặt tinh thần như bây giờ. Vui thì được, nhưng đừng vui quá rồi quên mất điều gì thực sự có ý nghĩa.

Trước đây, tôi cũng đã từng cố gắng phản biện lại những lời giải thích về câu tục ngữ trên của một số bạn trẻ theo cách hiểu “thô” của họ. Tôi có thể trả lời được tại sao người xưa lại phải “mài sắt” chứ không bán [cục] sắt đó đi để mua kim. Điều đó, trong thoáng chốc, khiến tôi cảm thấy hài lòng. Nhưng rồi sau đó tôi chợt nhận ra sự vô nghĩa khi cố gắng đi giải thích điều đó. Đúng vậy, càng cố gắng giải thích thì nó lại càng xa rời ý nghĩa thực sự mà ông cha ta muốn gửi gắm phía sau 8 chữ ngắn gọn đó mà thôi. Khi đã hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ rồi thì 8 chữ đó không còn cần thiết nữa. Tuy vậy, chúng vẫn là “chiếc thuyền” để giúp những người khác tiếp cận “bờ bên kia”, để rồi sau khi đưa những người này đến được bờ bên kia thì chúng lại trở lại bờ bên này tiếp tục chở những người khác. Nhược bằng cứ bám mãi “chiếc thuyền” thì làm sao ta lên được “bờ”?

Leave a comment